Cú trượt từ sàn diễn đến ngục tù của nhà thiết kế nổi tiếng

MỸNhà thiết kế thời trang nổi tiếng Anand Jon không bao giờ nghĩ rằng bộ quần áo tù và còng tay thép sẽ trở thành phụ kiện duy nhất của mình.

Trước khi bị buộc tội dụ dỗ, tấn công tình dục nhiều phụ nữ và trẻ vị thành niên, nhà thiết kế gốc Ấn Độ là gương mặt nổi tiếng trong làng thời trang New York. Jon làm việc với nhiều người có sức ảnh hưởng và đắm chìm trong thế giới showbiz hào nhoáng. Anh ta thường xuyên xuất hiện với đoàn tùy tùng là những cô gái xinh đẹp, ăn mặc hở hang.

Anand Jon sinh năm 1973 trong gia đình giàu có ở bang Kerala, Ấn Độ. Năm 16 tuổi, Jon chuyển đến Mỹ để theo học ngành thời trang tại Học viện Nghệ thuật Fort Lauderdale ở Florida và sau đó là Trường Thiết kế Parsons.

Sau khi tốt nghiệp, Jon thực tập cho Gianni Versace và ra mắt bộ sưu tập đầu tay vào năm 1999. Khi thương hiệu của Jon trở nên nổi tiếng, anh ta được tài trợ bởi Giorgio Armani.

Jon thu hút các khách hàng là người nổi tiếng, người có vai vế trong xã hội và thành viên hoàng gia. Một số trong đó còn làm người mẫu trên các show diễn của Jon, như Michelle Rodriguez, Lydia Hearst, Paris Hilton.

Năm 2006, Jon thành lập công ty thiết kế denim Jeanisis Fashion Inc. Chiến lược của Jon là kết bạn với những người nổi tiếng, chụp ảnh và tiệc tùng với họ, khiến họ mặc quần áo của anh ta và nhận được sự chú ý.

Tháng 1/2007, Jon được giới thiệu trên Newsweek là một trong những nhà thiết kế mới tiềm năng nhất. Từ đó, sự nghiệp của anh ta cất cánh. Jon xuất hiện với tư cách là giám khảo của America’s Next Top Model và chuẩn bị quay chương trình truyền hình thực tế của riêng mình.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2007, khi chuẩn bị giới thiệu bộ sưu tập mới, Jon bị bắt tại Beverley Hills, California, với cáo buộc hiếp dâm và nhiều tội danh liên quan.

Anand Jon (giữa) chụp ảnh cùng diễn viên Elizabeth Jagger (trái) và Paris Hilton. Ảnh: Thejuggernaut

Các công tố viên cáo buộc Jon dụ dỗ phụ nữ và trẻ em gái đến căn hộ riêng với lý do bàn bạc công việc người mẫu, sau đó tấn công tình dục.

Hầu hết nạn nhân còn rất trẻ, đến từ các thị trấn nhỏ. Họ đều vui mừng khi được chú ý, đặc biệt là bởi một nhà thiết kế nổi tiếng.

Jessie, 18 tuổi, làm nghề trang điểm ở thị trấn nhỏ, có ước mơ trở thành người mẫu vì thích đứng trước ống kính. Jessie nói rằng Jon đã liên lạc qua mạng xã hội MySpace, lịch sự bày tỏ yêu thích vẻ ngoài của cô và muốn bỏ tiền mời cô bay đến Los Angeles cho một buổi chụp hình. Jessie tìm kiếm tên Jon trên Google, thấy rằng anh ta từng làm việc với Paris Hilton và nhiều người nổi tiếng khác. Cô lập tức đồng ý lời đề nghị với suy nghĩ rằng đó sẽ là bước đột phá lớn trong sự nghiệp.

Mùa xuân 2007, ngay khi dòng sản phẩm quần jeans mới sắp được tung ra thị trường, Jon mời Jessie đến căn hộ ở Beverly Hills, California. Theo Jessie, anh ta yêu cầu cô giữ im lặng vì hai trợ lý đang ngủ trong phòng. Sau đó, anh ta cưỡng hiếp cô.

Ngày hôm sau, Jesse đến đồn cảnh sát. Jon bị bắt và bị buộc tội tấn công tình dục.

Trong vài tháng tiếp theo, hàng chục người mẫu đứng ra với câu chuyện tương tự. Họ cho biết được Jon tiếp cận qua Internet hoặc thông qua các công ty người mẫu nhỏ, thuyết phục rằng có thể biến họ thành người mẫu nổi tiếng, sau đó dụ họ đến studio của anh ta ở New York hoặc Los Angeles để quấy rối hoặc cố gắng cưỡng hiếp.

Video tại nhà do Jon quay cho thấy những người mẫu trẻ tạo dáng, thoát y theo chỉ đạo của anh ta.

Jon phủ nhận mọi cáo buộc, tuyên bố rằng họ quan hệ tình dục đồng thuận, và tố một nạn nhân vị thành niên khai gian tuổi.

Jon tuyên bố không phải là một kẻ săn mồi tình dục như cáo buộc mà là nạn nhân của một âm mưu thâm độc từ những người mẫu ghen tị và tham lam.

Một trong những người mẫu cũ của Jon nói: “Tôi nghĩ rằng họ muốn trả thù vì họ mong Jon sẽ giúp phát triển sự nghiệp người mẫu nhưng anh ấy không làm”.

Jon và những người ủng hộ anh ta cho biết âm mưu được dẫn dắt bởi một trong những trợ lý cũ tên Holly, từng là người mẫu gặp Jon trong một cuộc tuyển chọn. Phía Jon tố cáo Holly lấy trộm danh sách khoảng 300 người mẫu từ căn hộ của Jon, gọi cho từng cô gái và thuyết phục họ nói dối để có được danh tiếng và tiền bạc.

Holly bác bỏ cáo buộc trên. Cô nói chỉ gọi cho một cô gái và không bao giờ có quyền truy cập vào hàng trăm số điện thoại của người mẫu.

Holly thừa nhận không thích Jon vì bị tấn công tình dục ngay ngày đầu tiên họ gặp nhau. Nhưng cô và một số nạn nhân tố cáo Jon vẫn giữ liên lạc với anh ta sau khi bị tấn công. Holly thậm chí còn theo Jon đến California để chung sống và làm trợ lý miễn phí.

“Anh ta đe dọa tôi không được nói với ai. Anh ta nói có thể tạo nên sự nghiệp cho tôi thì cũng có thể hủy hoại nó, và tôi sẽ chẳng có nơi nào để đi nếu nói ra bất cứ điều gì”, Holly chia sẻ trên truyền thông và nói mình đã bị tẩy não.

Jon và em gái Sanjana tổ chức một chiến dịch chống lại các người mẫu, phá hủy danh tiếng của họ. Khi Jon đang ở sau song sắt, Sanjana tổ chức các cuộc biểu tình công khai và các buổi cầu nguyện dưới ánh nến ở New York, Los Angeles và Ấn Độ.

Những người ủng hộ Jon làm áp phích miêu tả các nạn nhân là người “đào mỏ”, ngôi sao phim khiêu dâm và gái mại dâm.

Anand Jon ra tòa. Ảnh: Nydailynews
Anand Jon ra tòa. Ảnh: Nydailynews

Phiên tòa kéo dài hai tháng của Jon bắt đầu vào tháng 9/2008. Bên công tố chiếu video về một người mẫu 17 tuổi bị tấn công tình dục. Hình ảnh đôi chân run rẩy không thể kiểm soát của cô gái tạo tiền đề cho các nạn nhân khác đứng ra làm chứng.

Tại phiên tòa xét xử, có tất cả 9 nạn nhân, sau khi các công tố viên loại ra 11 người có bằng chứng yếu nhất. Những người mẫu còn lại đều kể câu chuyện tương tự.

Bằng chứng được tìm thấy trên máy tính của Jon giúp các công tố viên miêu tả anh ta như một “kẻ săn mồ” có hành vi bạo dâm. Một bảng liệt kê các cuộc chinh phục theo tên, hành vi tình dục và mức độ tổn thương được đưa ra làm bằng chứng.

Ngày 13/11/2008, Jon bị kết tội cưỡng hiếp Jessie và 15 tội tấn công tình dục khác.

Ngày 31/8/2009, Jon bị kết án tù chung thân với thời hạn được ân xá là 59 năm. Anh ta cũng bị truy tố ở Texas và New York với nhiều tội danh tấn công tình dục. Tuy nhiên, trước phiên xét xử vào năm 2013, các công tố viên chấp nhận thỏa thuận nhận tội nên anh ta không bị phạt thêm án tù.